Thời gian đầu mới làm thiết kế ở Vancouver, tôi ngại nhất phải ra công trường trao đổi với đám thợ thuyền. Lý do chính là ngôn ngữ. Thứ nhất là mấy ông thợ giọng đã ồm ồm lại hay đùa tiếng lóng làm mình không theo kịp mà phải cười cười như thằng dở hơi. Hai là mình không nhớ tên tiếng Anh của mấy dụng cụ xây dựng. Do quá quen cách gọi tiếng Việt như Cờ Lê, Mỏ Lết, Kìm Nước,… Ra công trường mấy ông thợ trao đổi cách thi công, nói dùng cái này cái kia mà chả biết là đang nói dụng cụ gì. Cũng may mà các dụng cụ thi công nhà dân dụng cũng không quá nhiều. Sau một vài buổi, tôi cũng nắm được kha khá. Tất nhiên thỉnh thoảng gặp phải mấy bố khú đỉn dùng mấy từ lạ quá thì mình cũng chịu. Có điều buồn cười là phần lớn các ông thợ xây bên Canada thường bị lãng tai. Thế cũng may, có gì nghe không hiểu mình cứ hỏi đi hỏi lại cũng không sao. Mấy bố ý cũng tưởng mình lãng tai, nên cũng không trách.
Sau đây là tên tiếng Việt của một số dụng cụ thông dụng mà chủ nhà thường cần để bảo trì một ngôi nhà xứ tuyết. Phần lớn dụng cụ ở đây chắc các bạn cũng biết, nhưng đôi khi mình không biết bên này người ta gọi là gì. Dành cho bạn nào mới sang, hoặc bạn nào mới đụng vào mấy việc nhà cửa. Có thuê thợ ít ra còn hiểu thợ đang ba hoa cái gì.
1. Hammer: Búa
Búa là công cụ thông dụng nhất mà nhà nào cũng có. Thông thường thì búa có thêm đầu nhổ đinh (Việt Nam nhiều khi gọi là Búa Nhổ Đinh), tên tiếng Anh là Claw Hammer.
2. Screwdrivers: Tua vít hay Tuốc Nơ Vít 😊
Cái này cũng chăc chắn là nhà bạn có luôn. Bạn nào fan của IKEA chắc suốt ngày dùng. Nếu bạn chưa biết, có 3 loại đầu vít phổ biến nhất trong xây dựng và sửa chữa nhà dân.
- Common or slotted screwdriver: Tua vít đầu thẳng
- Phillips screwdriver: Tua vít đầu X
- Robertson screwdriver: Tua vít đầu vuông
Đôi khi bạn nghe thấy thợ nhờ lấy cho họ Screwdriver Bit loại này loại kia, đó là đầu vít được lắp vào các Tuốc nơ vit điện (Electrical screwdriver). Máy này dùng điện hay pin xạc, bạn có thể thay các loại đầu vít khác nhau phù hợp với loại ốc vít.
3. Screw: Ốc vít
Tất nhiên là cũng có 3 loại phổ biến nhất là: Common/slotted, Phillips, và Robertson.
4. Nail: Đinh
Common Nail: Đinh thông thường
Finish Nail: Đinh không mũ, có thể dấu được đinh dưới vật liệu hoàn thiện. Nhiều bác thợ còn hay gọi là Fini Nail mới ác. Đinh không mũ này thường được đóng bằng máy bắn đinh.
5. Bolt: Bu lông
Thường có thêm Flat washer: Long đen (lại nghĩ đến thằng bạn nhậu ở Việt Nam, cũng tên Long béo mà đen hôi). Không biết bao giờ mới được về VN gặp mặt lại bạn :(.
Đai ốc tiếng Anh gọi là Nut. Đai ốc phổ biến nhất có hình lục giác nên gọi là Hex Nut.
6. Drill: Máy Khoan, Drill bits: Mũi Khoan
Bạn nào tay đô thì có thể dùng máy Khoan Tay : Hand Drill. Đùa vậy thôi chứ từ lâu tôi đã không thấy Hand Drill trên công trường. Có thể ở xưởng mộc, các bác thợ vẫn dùng để khoan gỗ.
Ngày nay phổ biến là Khoan Điện: Electric Drill hoặc Khoan không dây (dùng pin xạc) Cordless Drill.
Với các công việc cho nhà dân thông thường, tuốc nơ vít điện (Power or Electrical Screwdriver) có thể thay mũi khoan để khoan những lỗ nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn khoan sàn bê tông để đóng bottom plate cho khung tường gỗ thì nên dùng khoan xịn cho đỡ ê tay.
7. Tape Measure: Thước Cuộn
Đôi khi có bố cầu kì còn gọi là Retractable Tape Measure; còn bố nào lười thì gọi là Tape (ai không biết lại tưởng lấy băng dính để đo đạc).
Mặc dù công ty phát cho anh em mỗi người một cái Laser Measure, nhưng tôi vẫn thích dùng Tape Measure hơn. Thợ thuyền nhìn cách mình dùng thước cũng đoán được mình là dân amateur hay có kinh nghiệm. May mà từ thời ở VN, tôi đã được mấy bác thợ xây dậy cho một vài chiêu cơ bản nên bên này cũng không đến nỗi xấu hổ.
Ngoài ra thợ còn dùng một số loại thước đặc biệt như Cloth Tape Measure để đo đồ có hình dạng đặc biệt, hoặc Folding Carpenter’s Ruler, nhưng mình chả dại gì đụng vào. Lại lộ ra là non kinh nghiệm :D
8. Level: Thước Thủy hay Nivo
Đây là dụng cụ khá thông dụng dùng để kiểm tra độ ngang của bề mặt mà tôi hay sử dụng nhất để treo tranh. Trên thước level thường có thêm các cột nước để bạn kiểm tra mặt thẳng hoặc mặt nghiêng 45 độ.
9. Utility Knife: Dao đa năng
Đơn giản chỉ là dao cắt nhưng đây có khi là dụng cụ được dùng nhiều nhất. Với một con dao đa nặng xịn bạn có thể cắt giấy, cắt thảm, cắt gỗ, cắt vynil, cắt drywall,… nhưng đừng cắt vào tay.
10. Wrenches: Cờ Lê
Có một vài loại cờ lê như:
Adjustable Wrench: Loại này bạn nên có nhất vì nó có thể thay đổi độ mở để khớp với nhiều cỡ vít.
Pipe wrench: Chuyên cho thao tác với đường ống nước.
Open end wrench: Loại phổ thông, bạn có thể cần một bộ cờ lê với nhiều cỡ mở khác nhau.
Trên đây là cách gọi tiếng Anh của một số công cụ sửa chữa bảo trì nhà cửa. Mình sẽ bổ sung thêm các thiết bị khác bao gồm cả các loại băng keo, các thiết bị làm sạch, một số đồ làm mộc ở phần sau. Nếu có thiết bị nào mà bạn không rõ tên tiếng Anh thì để lại comment nhé. Mình có thể mang đi hỏi đám thợ thuyền bên này. Thường hỏi 10 bố thì ra 3-4 cách gọi tên khác nhau, cũng hay hay.
コメント